Cấu tạo khay trồng rau aquaponics như thế nào? Nên dùng loại khay nhựa trồng rau nào thì phù hợp. Và nên chọn loại giá thể trồng cây nào thì thích hợp cho aquaponics?
1. Cấu tạo khay trồng rau aquaponics
Khay trồng rau aquaponics là nơi để cây trồng, vi sinh và sinh vật dị dưỡng cùng tồn tại, phát triển.
Khay trồng rau aquaponics có cấu tạo gồm:
- Khay nhựa trồng rau
- Giá thể trồng cây
- Bell siphon hoặc U siphon (Tìm hiểu thêm)
Khay trồng rau aquaponics được chia làm 3 tầng:
- Tầng ướt: là phần đáy của khay rau aquaponics. Khi nước xả cạn thì vẫn còn lại một lượng nước cao khoảng 3-5cm. Đây là nơi các sinh vật dị dưỡng và vi sinh hoạt động mạnh nhất. Ngoài ra nó còn có tác dụng dự trữ nước. Trong trường hợp mất điện, bơm hỏng không hoạt động thì lượng nước này có thể cứu vãn cho cây trong vài 3 ngày.
- Tầng trung gian: nằm ở giữa khay rau. Chiều cao tuỳ vào từng loại chậu. Khoảng từ 15 đến 20cm là phù hợp. Khu vực này là nơi hoạt động của rễ cây, vi sinh, trùn quế. Tầng này sẽ ngập nước rồi xả cạn điều hoà theo cách cài đặt của hệ.
- Tầng khô: Tức là phần luôn luôn khô. Nằm trên bề mặt của khay. Cho dù nước dâng ngập maximum thì vẫn không ngập đến tầng này. Tầng này dày khoảng 3-5cm là phù hợp. Tác dụng: Lớp giá thể nằm trên bề mặt này sẽ che chắn ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại cho vi sinh ở lớp dưới.Ngăn ngừa sự phát triển của tảo, rêu. Ngoài ra còn giảm sự bay hơi của nước
Độ cao của các tầng phụ thuộc vào cấu tạo của Siphon thiết kế. Cụ thể thì chiều cao cực đại của tầng trung gian = chiều cao của miệng ống hút trong bell siphon. Chiều cao cực tiểu của tầng trung gian = chiều cao của khe lấy khí trong bell siphon. Bạn có thể tìm hiểu thêm về nguyên lý hoạt động của Siphon tại đây
2. Nên mua loại khay trồng rau aquaponics loại nào thì phù hợp?
Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều loại khay nhựa trồng rau. Trong số đó có một loại đặc thù chuyên dùng cho aquaponics. Như hình ảnh sản phẩm dưới đây. Tất nhiên đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi trên. Sở dĩ như vậy vì các loại khay trồng rau aquaponics này phù hợp về độ cao, thể tích, độ bền. Không có lỗ thoát nước đục sẵn như khay nhựa trồng rau thổ canh.
Hình ảnh: chậu trồng rau Aquaponics thường dùng
Ngoài ra để tiết kiệm chi phí và sở thích từng người. Các bạn đều có thể chọn mua những khay nhựa trồng rau thường dùng trong thổ canh, nhà phố. Tất nhiên với mỗi loại sẽ có ưu nhược điểm khác.
Lưu ý: chất lượng chậu, dung tích chậu để phù hợp với kích thước cây. Không chọn khay có lỗ thoát nước đục sẵn.
Trong trường hợp khay trồng rau aquaponics có kích thước bé. Các bạn có thể dùng U siphon thay vì Bell siphon để gom nước từ nhiều khay. Vừa tiết kiệm không gian khay, vừa tiết kiệm điện.
Thùng xốp có dùng làm khay trồng rau aquaponics được không?
Chúng tôi cũng bắt gặp một số người dùng thùng xốp để làm khay trồng rau aquaponics. Thùng xốp hoàn toàn dùng được trong mô hình aquaponics. Mặc dù giá thành khá rẻ nhưng chúng tôi cũng khuyên các bạn không nên dùng vì một số nhược điểm sau:
+ Thời gian sử dụng ngắn: Thường dễ bị sứt vỡ. Nếu dùng biết giữ gìn thì cũng được 3 đến 4 năm. Trong khi sỏi nhẹ có thể dùng từ 10 đến 20 năm.
+ Lắp đặt khó hơn do dễ bị rò rỉ nước.
Nếu gia đình bạn đang có sẵn các thùng phi, tank nhựa, can nhựa lớn không dùng đến. Bạn đều có thể tận dụng làm khay trồng rau aquaponics. Tất nhiên, đôi khi phải cắt gép, gia cố mất thời gian. Và nhìn chung là không được đẹp cho lắm
3. Các loại giá thể thường dùng trong khay trồng rau aquaponics
Giá thể trồng cây là gì?
Giá thể trồng rau aquaponics là các loại vật liệu giữ ẩm tốt, giúp giữ cho cây có điểm tựa và đứng vững. Cũng là nơi rễ cây có thể bám vào hút nước và dinh dưỡng.
Trong bài viết này Rau Sạch Aqua chỉ đề cập đến các loại giá thể trong khay trồng rau aquaponics mà thôi. Còn các phương pháp trồng rau khác như NFT, nước sâu thì chúng tôi tạm thời không đề cập đến ở đây.
Các loại giá thể dùng trong khay trồng rau Panasonic
-
Viên đất nung.
Đầu tiên phải kể đến là viên đất sét nung (Sỏi nhẹ). Viên đất nung hay sỏi nhẹ là giá thể được dùng phổ biến và cũng là tốt nhất cho khay trồng rau aquaponics. Bởi các ưu điểm của nó như: nhẹ, giữ ẩm tốt, sử dụng lâu dài, bề mặt tiết diện lớn thuận lợi cho vi sinh phát triển… Đã được xử lý, không có các độc tố cho cây trồng, người và cá.
Hình ảnh: Đất nung, loại giá thể trồng rau aquaponics phổ biến nhất
-
Xỉ than
Mặc dù đất sét nung là tốt nhất tuy nhiên giá thành cũng không phải rẻ (Chiếm gần 1/5 giá thành của hệ). Do vậy để tiết kiệm chi phí nhiều người đã sử dụng Xỉ than. Cái này chắc đi xin người ta còn cảm ơn ấy. Xỉ than dùng cho aquaponics cũng có một số ưu điểm như đất nung. Tuy nhiên lại có các nhược điểm như sau:
+ Không bền bằng đất nung
+ Dễ vỡ vụn làm tắc ống nước.
+ Độc hại, do có lẫn rất nhiều tạp chất như cacbon, kim loại nặng…
+ Mất thời gian đập vụn tổ ong, rửa sạch.
- Đá bọt
+ Đá bọt là loại đá được hình thành trong quá trình phun trào dung nham núi lửa. Được khai thác từ tự nhiên tương tự đá xây dựng.
+ Nhẹ xốp, có nhiều bột khí, bền, giữ ẩm tốt tương tự như viên đất nung
+ Có diện tích bề mặt lớn, là nơi cứ trú tốt của vi sinh nên có thể dùng làm giá thể trồng cây cho khay trồng rau aquaponics rất tốt.
+ Giá thành cũng tương đương với viên đất nung, tuy nhiên không được bán phổ biến trên thị trường như viên đất nung.
-
Đá xây dựng, đá dăm, sỏi.
Đá dùng để đổ bê tông cũng có thể được dùng làm giá thể trong khay trồng rau aquaponics. Giá thành cũng không quá cao. Tuy nhiên gặp một số nhược điểm như sau:
+ Nặng (Sức nặng của đá có thể làm khay trồng rau aquaponic và giá đỡ nhanh hỏng hơn)
+ Giữ ẩm kém
+ Bề mặt tiết diện ít (Không có nơi cho vi sinh hoạt động)
-
Xơ dừa
Mặc dù ít thấy ai dùng xơ dừa làm giá thể trồng rau aquaponics. Nhưng cũng không phải là không dùng được. Chi phí giá thành xơ dừa cũng vừa phải. Giữ ẩm tốt, bề mặt tiết diện lớn, và rất nhẹ. Tuy nhiên có một số nhược điểm như sau:
+ Dễ làm tắc, nghẹt ống dẫn nước.
+ Không bền, dễ mục nát do vậy chỉ thích hợp làm giá thể trồng lan, giá thể trồng cây cảnh.