Vận hành, khởi tạo aquaponics – hệ thống trồng rau nuôi cá

Khởi tạo aquaponics

Các bạn thân mến! Sau khi đã lắp đặt xong hệ thống trồng rau nuôi cá (Aquaponics). Nhiều bạn sẽ có những thắc mắc về vấn đề khởi tạo hệ thống trồng rau nuôi cá như thế nào. Thả cá trước hay trồng rau trước? Có cần bổ sung dung dịch gì không? Và cũng không ít bạn gặp tình trạng cá chết hàng loạt do thả quá nhiều cá..v.v Sau đây Rau Sạch Aqua xin chia sẻ thêm một số kinh nghiệm khi mới bắt đầu khởi tạo aquaponics. Và kinh nghiệm vận hành hệ aquaponics trong suốt quá trình sử dụng.

1. Kiểm tra nồng độ Ph của nước trước khi thả cá trồng rau.

Rau trồng và cá trong hệ thống aquaponics có một điểm chung đấy là: Cùng thích hợp với môi trường nước có độ Ph nằm trong khoảng từ 6,5 – 7. Trong đó cá sẽ phản ứng nhanh hơn rau nếu nồng độ Ph quá cao hoặc quá thấp. Do vậy, kiểm tra nồng độ Ph trong nước là bước quan trọng nhất khi khởi tạo aquaponics.

a. Nguồn nước máy cho sinh hoạt.

Đối với nguồn nước máy cho sinh hoạt luôn được sục khí Clo. Khí Clo hoà tan trong nước sẽ tạo thành axit HCl làm giảm nồng độ Ph của nước. Đối với nước máy mới bơm lên bể thường có PH chỉ vào khoảng 4,5 đến 5,5. Do vậy các bạn lưu ý không thả cá ngay sau khi bơm nước máy vào bể. Cần phải bơm, sục khí hoặc phơi nắng trong vòng ít nhất 1 ngày để axit HCl chuyển hoá thành H2O và Cl2.

b. Các nguồn nước khác

Đối với các nguồn nước khác không rõ độ Ph là bao nhiêu. Vì vậy trước khi thả cá các bạn cần phải dùng thiết bị đo độ Ph kiểm tra thử.

  • Nếu quá thấp (Dưới 6) thì bơm, sục khí, phơi nắng cho đến khi đạt ph từ 6,5 – 7. Hoặc dùng vôi tôi để pha liều lượng nhỏ vào bể.
  • Nếu quá cao (Trên 8). Các bạn có thể bổ sung bằng cách: Ngâm lá bàng khô vào bể, hoặc đun lá bàng khô lấy nước cho vào bể. Các bạn cũng có thể sử dụng các loại giấm ăn, chanh để bổ sung thêm axit vào bể. Liều lượng như thế nào thì còn tuỳ vào Ph hiện tại và thể tích nước. Tốt nhất là các bạn cứ cho ít một. Rồi dùng dụng cụ đo Ph để kiểm tra. Cho đến khi Ph trở về mức 6,5 – 7 là tốt nhất. Nguồn nước có Ph cao thường ít gặp.
Máy đo nồng đọ Ph của nước
Hình ảnh: Máy đo nồng đọ Ph của nước

2. Khởi tạo vi sinh trong mô hình trồng rau nuôi cá

Trên thực tế, nếu chúng ta đã lắp một hệ thống trồng rau nuôi cá đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chúng ta chỉ cần bơm nước, sục khí trong vòng 1 ngày để nước thoát hết Clo (Nếu là nước máy). Trong vòng một ngày đó cũng là để chúng ta theo dõi xem hệ thống bơm, sục, Siphon có trục trặc gì không.

Sau 1 ngày chạy không, chúng ta có thể thả cá, và gieo hạt rau. Vi sinh sẽ bắt đầu sinh sôi trong hệ. Số lượng vi sinh sẽ tăng dần theo thời gian và sẽ ổn định sau khoảng 1 đến 3 tháng. Số lượng rau trồng cũng nên tăng dần theo mới có thể lọc hết NO3 trong nước. Do cá ngày càng lớn lên, vi sinh ngày càng đông đủ.

Tuy nhiên để rút ngắn thời gian khởi tạo aquaponics, các bạn có thể có các biện pháp tác động như sau:

  • Bổ sung vi sinh cho hệ: Bạn có thể hoà 5 đến 10 gói men vi sinh dạng sống (Biosubtyl) vào bể nước. Men sẽ có tác dụng kích thích vi sinh vật trong hệ phát triển nhanh hơn.
  • Nếu bạn đã có sẵn một hệ aquaponics tại nhà, và muốn làm thêm một hệ khác thì quá hay rồi. Hãy dùng ngay 1 phần nước, hạt Kaneldnet trong hệ cũ để gây dựng tập đoàn vi sinh sang hệ mới nhé.
  • Thả trùn quế vào các khay rau. Như các bạn đã biết, trùn quế hay giun quế là một trong những loại sinh vật dị dưỡng rất có lợi cho aquaponics. Chúng thường sống trong tầng giữa của các khay rau, hoặc trong bộ rễ cây. Trùn quế ăn các chất thải rắn của cá, thải ra phân trùn quế. Phân trùn quế có nhiều khoáng chất cho cây hấp thụ. Vì vậy ngay từ đầu, các bạn nên mua trùn quế và bắt thả vào các khay rau. Số lượng cũng không cần quá nhiều. Mỗi khay thả 2 đến 3 con là đủ rồi.
Men biosubtyl Sử dụng bổ sung vi sinh cho hệ aquaponics
Hình ảnh: Men biosubtyl Sử dụng bổ sung vi sinh cho hệ aquaponics

3. Kiểm tra nồng độ NH3, NO2, NO3

Nồng độ NH3, NO2, NO3 phản ánh sự cân bằng trong hệ sinh thái Aquaponics.

a. Nồng độ NH3 và NO2 trong nước

Nồng độ NH3 và NO2 quá cao chứng tỏ vi sinh hoạt động kém. Nguyên nhân có thể là: Thiếu hạt Kaldnet, lượng Oxy sục không đủ. Hoặc cũng có thể là hệ lâu ngày không được vệ sinh. Dẫn đến vi khuẩn yếm khí hoạt động mạnh. Vi khuẩn yếm khi là loại vi khuẩn có hại. Chúng phát triển rất mạnh và tiêu tốn hết lượng oxy hoà tan trong nước. Làm cho vi sinh có lợi bị lấn át. Lưu ý: NH3 và NO2 là chất rất độc hại cho cá vậy nên cần xử lý ngay khi phát hiện nồng độ NH3 và NO2 cao.

b. Nồng độ NO3 trong nước

Nồng độ NO3 quá cao chứng tỏ rau trồng ít hoặc lượng cá quá nhiều, cho cá ăn quá nhiều. Nên giảm lượng thức ăn cho cá hoặc bắt bớt cá hoặc trồng thêm rau. NO3 quá cao làm cây dư Nito dẫn đến đề kháng kém, dễ sâu bệnh và không tốt cho sức khoẻ con người khi ăn rau. NO3 cũng là điều không tốt cho cá sinh trưởng và phát triển.

c. Kiểm tra nồng độ như thế nào?

Nếu chúng ta không có các dụng cụ, thiết bị đo nồng độ NO2, NO3 thì chúng ta có thể nhận biết bằng mắt thường. Bằng các biểu hiện nhận biết sau đây:

  • Rau trồng còi cọc, kém phát triển: Chứng tỏ dinh dưỡng ít, nồng độ NO3 giảm. Cần tăng cường cho cá ăn, nuôi thêm cá. Nếu sau vài tuần vẫn không cải thiện thì chứng tỏ hệ vi sinh hoạt động kém. Nồng độ NH3 sẽ cao. Cần tăng cường sục khí Oxy, tăng lượng hạt Kaldnet.
  • Rau trồng xanh tốt, nhưng cá chậm chạm, lờ đờ. Thậm chí chết dần. Thì đây có thể là do NO3 quá cao. Cây không thể hấp thụ hết. Cần trồng bổ sung rau hoặc giảm lượng thức ăn cho cá.

Để có thể biết chính xác hơn về các nguyên nhân. Chúng tôi khuyên các bạn nên mua dụng cụ đo nồng độ NH3, NO2, NO3 để có các biện pháp điều chỉnh thích hợp. Nồng độ khuyến nghị của các chất trong aquaponics tôi sẽ trình bày trong bảng tổng hợp phía cuối bài.

Kit tet 7 trong 1 cho hồ cá
Hình ảnh: Kit tet 7 trong 1 cho hồ cá

4. Duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái trong mô hình trồng rau nuôi cá.

Mô hình trồng rau nuôi cá Aquaponics là một hệ sinh thái. Trong đó rau, cá, vi sinh có quan hệ cộng sinh với nhau. Hệ sinh thái sẽ mất cân bằng khi một trong các thành phần kia bị thiếu đi. Trong quá trình vận hành hệ trồng rau nuôi cá. Các bạn luôn luôn lưu ý duy trì sự cân bằng của hệ thống.

Vậy làm sao để có thể duy trì sự cân bằng này?

Không nên thu hoạch cùng lúc tất cả rau trồng. Tức là không nhổ hết cây cùng một lúc trong hệ. Khi không còn cây trong hệ, nước sẽ không được lọc sạch. Nồng độ NO3 tăng lên đột biến, điều đó có thể làm cá ngộ độc và chết. Tất nhiên cá có thể chịu đựng được nồng độ NO3 cao. Cá không chết ngay lập tức nhưng dù sao cũng không phải là môi trường tốt. Hơn nữa, nồng độ NO3 cao, khi gieo trồng vụ mới cây non sẽ dư Nitơ, sức đề kháng yếu và dễ bị sâu bệnh.

Không nên thu hoạch hết cá cùng lúc khi rau vẫn còn nhiều. Thu hoạch cá cùng lúc mà không thả cá mới ngay. Hoặc cho dù các bạn thả cá mới ngay nhưng cá còn bé. Lượng chất thải của cá cũng không đủ nuôi cả vườn rau đang tươi tốt kia. Do vậy các bạn nên thu hoạch dần dần, sau khi hết 50% lượng cá thì thả thêm 50% lượng cá mới vào nhé. Lưu ý: Thả các loại cá không cắn và xơi thịt lẫn nhau nhé. Trong bể cá có thể thả thêm các đoạn ống pvc ngắn. Mục đích vừa tăng diện tích bề mặt cho vi sinh phát triển lại vừa làm nơi ẩn nấp cho cá con.

Như đã đề cập đến trong mục số (3), các bạn nên có một bộ dụng cụ thiết bị đo nồng độ NH3, NO2, NO3, và PH. Để có các bước xử lý thích hợp khi vận hành hệ thống trồng rau nuôi cá. Khi cần tư vấn, các bạn hãy liên hệ ngay với Rau Sạch Aqua để có những biện pháp xử lý kịp thời. Tất cả tư vấn đều miễn phí mà.

5. Bảng chi tiết các thành phần quan trọng trong nước

BẢNG 1
Dải chịu đựng chung cho cá (nước ấm hoặc nước lạnh), cây trồng và vi khuẩn nitrat hóa
Nhiệt độ (°C) pH Amoniac (mg/l)       Nitrit        (mg/l) Nitrat (mg/l) DO(oxy hòa tan mg/l)
Cá nước ấm 22-32 6-8.5 <3 <1 <400 4-6
Cá nước lạnh 10-18 6-8.5 <1 <0.1 <400 6-8
Cây trồng 16-30 5.5-7.5 <30 <1 >3
Vi khuẩn 14-34 6-8.5 <3 <! 4-8
BẢNG 2
Dải chịu đựng chung các sinh vật trong aquaponics khi đã cân bằng
 
Nhiệt độ (°C) pH Amoniac (mg/l)       Nitrit        (mg/l) Nitrat (mg/l) DO(oxy hòa tan mg/l)
Aquaponics 18-30 6-7 <1 <1 5-150 >5

 

 

=> Tìm hiểu thêm về đặc tính, điều kiện môi trường thích hợp của các loài cá

=> tìm hiểu thêm về đặc điểm sinh trưởng phát triển của các loại rau.

5/5 - (15 bình chọn)